Chuyện mọi người phàn nàn về các website xảy ra như cơm bữa.
Họ thở dài, họ cằn nhằn, đôi khi còn chửi thề khi đụng phải một website thiết kế không hợp lý. Và 90% đó là lần duy nhất họ ghé thăm website đó… một đi không trở lại!
Điều nguy hiểm là bạn không hề biết phản ứng của những người ghé thăm website. Nếu bạn mở một cửa hàng, sẽ rất dễ để nhận biết thái độ của khách. Bạn sẽ thấy họ nhăn mặt bịt mũi nếu cửa hàng có mùi lạ. Họ sẽ hỏi bạn hết cái này đến cái kia để ở đâu nếu việc sắp xếp không hợp lý, hay va phải đồ đạc khắp nơi nếu lối đi chật hẹp. Còn đối với website, bạn chỉ có thể nhìn traffic giảm liên tục, và tỉ lệ bounce (những người vào website xong ra thoát ra ngay) cao ngất ngưởng mà không biết chuyện gì đang xảy ra.
Việc phát hiện các sai sót trong thiết kế website vì vậy cần không ít thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, khảo sát.
Bài viết này sẽ chỉ ra các sai lầm thường thấy trong thiết kế website và cách khắc phục tương ứng, giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức trong việc điều chỉnh giao diện.
1/ Thanh điều hướng nhiều cấp bậc:
Hẳn bạn đã gặp không ít website có giao diện điều hướng nhiều cấp bậc, đó là khi bạn rê chuột vào một mục, mục đó tự động xổ ra rất nhiều nhãn con khác, ròi từ nhãn con đó lại ra thêm nhiều mục. Ý định ban đầu của phương pháp này là để tiết kiệm diện tích cho website. Tuy nhiên vướng mắc gặp phải là chỉ cần người dùng di chuột lệch ra ngoài một chút, tất cả các nhãn mục đều biến mất và họ phải chọn lại từ đầu.
Giao diện hiển thị tất cả các danh mục trên trang chính để người xem nhìn rõ các lựa chọn
Đừng nên tiết kiệm diện tích, hãy trình bày các hạng mục trong website một cách rõ ràng, hiển thị hết các lựa chọn ngay từ đầu. Bên cạnh đó, nếu được, hãy thêm hình ảnh tương ứng vào tiêu đề từng mục. Càng rõ ràng, trực quan sinh động, người dùng sẽ càng thấy thoải mái với website của bạn.
2/ Việc phân loại gây rối cho người dùng:
Ví dụ có một khách hàng ghé thăm website của bạn định mua một cái máy xay sinh tố. Nhưng khi bấm vào mục “Đồ điện” lại tìm đỏ mắt mà không ra, một lúc lâu sau họ mới phát hiện các mẫu máy xay sinh tố nằm trong mục “Đồ gia dụng”. Hoặc trường hợp khác, một người định mua một quyển sách trinh thám nhưng khi click vào website của bạn, ở đó chỉ có mục văn học nước ngoài và văn học trong nước, trong đó trưng bày hỗn độn nào là tiểu thuyết ngôn tình, đam mỹ, trinh thám, phiêu lưu, hành động. Tất nhiên 80% khả năng họ sẽ phải lên google để tìm một trang web khác phân loại sách rõ ràng hơn.
Cách phát hiện ra những lỗi phân loại này là để người khác sử dụng website của bạn để kiếm thứ gì đó mà không dùng đến công cụ search và theo dõi thao tác của họ. Có thể bạn sẽ đau lòng khi thấy người đó loay hoay trong website của bạn như lạc vào mê hồn trận. Đó là lúc bạn phải cấu trúc lại website của mình hợp lý hơn. Dù khách hàng có thể sử dụng tính năng search để tìm ra thứ họ muốn, tuy nhiên việc trình bày không ngăn nắp sẽ khiến uy tín của website bị giảm sút, hoặc đôi khi khách hàng chưa có sự lựa chọn cụ thể thì họ sẽ muốn tìm theo trương mục để hiển thị hết tất cả những thông tin liên quan hơn là dùng công cụ search để tìm ra một vài thông tin tương ứng với các từ khóa nhất định.
3/ Công cụ tìm kiếm không hiệu quả:
Bên cạnh việc sắp xếp các hạng mục cho hợp lý thì công cụ tìm kiếm cũng phải được tối ưu hóa để giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin.
Một số lỗi cơ bản của thanh công cụ tìm kiếm là:
- Thuật toán tìm kiếm không “thông minh”: nếu công cụ trên website của bạn đòi hỏi người dùng phải đánh máy đúng từng câu từng chữ mới có thể hiển thị được kết quả thì đó là một thất bại trầm trọng. Ví dụ một khách hàng cần tìm quyển sách “Sẽ để em yêu anh thêm nhiều lần nữa”, họ có thể search với các cụm từ như “sẽ để anh yêu em thêm nhiều lần nữa”, “sẽ để em yêu anh thêm lần nữa”, hoặc ai lười hơn có thể chỉ đánh “sẽ để em…”. Nếu công cụ tìm kiếm của bạn quá khó tính, kết quả hiển thị sẽ là zero, và tất nhiên khả năng người dùng “next” sang trang khác là rất cao.
- Không nhận diện được ký tự: sai sót này có thể khó phát hiện hơn và xảy ra rất nhiều ở các trang web tiếng Việt. Ví dụ khi công cụ tìm kiếm của bạn phân biệt “d” và “đ” là hai chữ khác nhau thì sẽ có rất nhiều khách hàng tìm kiếm không ra kết quả vì họ nhập tiếng Việt không dấu.
- Ô tìm kiếm không đủ dài: nếu ô tìm kiếm trên website của bạn quá nhỏ, hãy nới rộng nó ra vì người dùng thường cảm thấy khó chịu khi nội dung họ nhập cứ bị nuốt vào khung chữ.
- Kết quả tìm kiếm quá rộng: trái với công cụ tìm kiếm “khó tính”, một vài trang web đã quá dễ dãi trong việc thu gọn kết quả tìm kiếm. Kết quả là công cụ nhả ra hàng loạt thông tin chẳng liên quan gì đến ý đồ của người dùng.
Các sai sót trên phải được khắc phục càng nhanh càng tốt vì công cụ tìm kiếm là một phần rất quan trọng trong tổng thể website.
4/ Nhìn không ra đường dẫn:
Người dùng khó có thể bao quát được hết từng chi tiết trên website của bạn, thế nên nếu bạn có một đường link nào đó muốn họ click vào, bạn phải thể hiện cho họ biết đó là một đường link. Nhiều website thiết kế rất đẹp và hoa mỹ, đến mức các đường link bị ngụy trang khiến người dùng cứ tưởng đó chỉ là một chi tiết nào đó trên trang web.
Bên cạnh việc làm nổi rõ các đường link, bạn cũng cần giúp người dùng phân biệt link nào họ đã nhấp vào rồi và link nào chưa. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các website tin tức vì người xem không muốn mỗi lần muốn xem bài mới phải rà soát lại danh mục từ đầu.
5/ Giao diện nhàm chán, đơn điệu:
Đôi khi một website với thiết kế hợp lý, giao diện rõ ràng, công cụ tìm kiếm mạnh mẽ nhưng lại không thu hút người xem bởi vì…nhàm chán.
Người xem ngoài việc thấy mọi thứ bố trí rất hợp lý, họ không tìm ra ưu điểm nào khác. Giao diện website đơn giản nhưng phải bắt mắt, và gây cảm xúc gì đó cho khách hàng. Điều quan trọng nhất là bạn phải tạo cho người dùng cảm giác kết nối với thương hiệu, với trang web của bạn. Cũng giống như một quán café đắt khách chưa hẳn vì café ngon mà là vì khách hàng thích không gian nơi đó.
Hải Phụng - VinaDesign
Tin nổi bật Online marketing, Digital Marketing Thương mại điện tử